Nguồn gốc
Ngắm hoá trong tiếng Nhật được gọi là “Hanami” (花見) hoặc “O-hanami” (お花見”), được ghép từ chữ “Hana – 花” tức là “Hoa” và “Mi – 見” tức là “Ngắm, nhìn”
Ngắm hoa được tổ chức lần đầu tiên vào năm 812 dưới thời Thiên hoàng Saga. Khi đó, loài hoa thường được ngắm chính là hoa anh đào – Sakura.
Hanami từng được thực hiện theo phong tục ngắm hoa mơ của người Trung Quốc, khi người Nhật cử sứ thần qua Trung để nghiên cứu văn hóa và công nghệ. Tuy nhiên, đến thời kỳ Heian (794 – 1185), Nhật Bản dần dần tạo ra một nét văn hóa thưởng hoa của riêng mình. Tương truyền rằng, vì rung động trước vẻ đẹp phi thực của cây hoa anh đào tại đền Jishu, Thiên hoàng Saga đã quyết định tổ chức một buổi tiệc ngắm hoa đầu tiên ngay dưới tán cây anh đào này với âm nhạc, các món ăn ngon và đàm đạo thơ ca. Từ năm 831, hình thức trở thành hoạt động dành cho tầng lớp quý tộc và cũng được đề cập trong Truyện Genji – cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên trên thế giới.
Đến năm 1594, tướng quân Toyotomi Hideyoshi đã tổ chức tiệc Hanami kéo dài 5 ngày cho 5.000 người ở Yoshino, tỉnh Nara. Bốn năm sau, tướng quân lại tổ chức lễ Hanami cho khoảng 1.300 người tại đền Daigo của Kyoto, nơi ông đã trồng 700 cây anh đào. Vào gần cuối thời kỳ Edo (1603 – 1868), Nhật Bản xuất hiện giống hoa anh đào mới tại vùng Komagome (Tokyo) có tên gọi “Somei-yoshino”, được lai giữa giống Ohshima và Edohiga. Đây là một trong những cột mốc lớn trong văn hóa thưởng hoa của Nhật Bản bởi Somei-yoshino sau này sau đó trở thành giống hoa anh đào phổ biến nhất ở Nhật Bản. Hiện nay, có khoảng 80% cây anh đào của Nhật Bản thuộc giống Somei-yoshino này.
Các giống hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật Bản
Theo Japan Cherry Blossom Association, có 9 loại giống hoa anh đào phổ biến ở Nhật ,từ đó phát triển ra hơn 100 loại và sau này có thêm 200 giống được ra đời. Các giống hoa khác nhau từ màu sắc (trắng, hồng), kích thước và số lượng cánh hoa hay chiều cao thân cây (có những giống chỉ cao khoảng 2m những cũng có giống cao đến hơn 20m). Tại Nhật Bản, một trong ba cây hoa anh đào nổi tiếng nhất là Miharu Takizakura ở thị trấn Miharu, tỉnh Fukushima. Cây anh đào này được cho là đã hơn một nghìn năm tuổi, cao 13,5m, tán cây rộng khoảng 25m và được xếp vào Di tích Thiên nhiên quốc gia.
Văn hóa Hanami ngày nay
Ngày nay, người Nhật sẽ mang theo cơm hộp (Bento) với các món ăn tự làm ở nhà hay mua ở cửa hàng tiện lợi, cùng quây quần dưới tán cây anh đào rồi vừa thưởng hoa vừa trò chuyện rôm rả. Tùy theo địa điểm ngắm hoa mà có nơi còn có những quầy bán thức ăn di động. Không chỉ là những buổi ăn uống thông thường, có nhiều người còn uống rượu, hát hò và say xỉn dù là ban ngày,… Có lẽ trong mắt nhiều du khách nước ngoài sẽ có nhiều người nghĩ rằng: “Đây đâu phải là ngắm hoa anh đào nhỉ?”, thế nhưng niềm vui to lớn nhất của tiệc Hanami chính là mọi người quây quần, cùng ăn những món ngon và trải qua thời gian vui vẻ náo nhiệt bên nhau. Ngắm hoa anh đào vào ban đêm (Yozakura) cũng rất thú vị. Buổi tiệc trở nên sôi nổi hơn khi ngắm nhìn những đóa hoa sống động trong ánh đèn.
Nguồn: Kilala.vn