Lễ hội Tanabata (七夕祭り) còn có nhiều tên khác như lễ thất tịch hay lễ ngắm sao. Lễ hội này có nguồn gốc từ lễ hội Ngưu Lang Chức Nữ của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì tổ chức vào ngày 7/7 Âm lịch như ở bên Trung Quốc, ở Nhật Bản người ta tổ chức lễ hội này vào 7/7 dương lịch và cũng có những nét riêng.
Nguồn gốc của lễ hội Tanabata
Tương truyền rằng, Ngọc Hoàng đại đế có một người con gái dệt lụa rất giỏi tên là Tanabata-tsume (gọi là Orihime). Một ngày kia, đã đem lòng thương mến anh chàng chăn bò Hikoboshi. Vì thương con, Ngọc Hoàng đã gả Orihime cho chàng chăn bò Hikoboshi. Tuy nhiên, sau khi cưới 2 vợ chồng cả ngày chỉ quấn quít bên nhau và chẳng chịu làm gì cả, Orihime thì bỏ mặc không dệt vải còn Hikoboshi thì để đàn bò đi lạc lên cung trời. Ngọc Hoàng nổi giận, ban lệnh chia cách hai người. Vì quá đau buồn nên cả hai đều lâm bệnh.
Trước tình cảnh đó, Ngọc Hoàng cho phép hai người mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Vậy nên vào ngày này hằng năm, để họ có thể gặp được nhau đàn chim ô thước sống bên hai bờ sông sẽ lấy thân mình làm cầu. Nếu trời mưa, đàn chim sẽ không thể bắc cầu và hai người sẽ không thể gặp nhau. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.
Những phong tục trong ngày lễ Tanabata ở Nhật Bản
Lễ hội thất tịch tại Nhật Bản thường được bắt đầu từ tối ngày 6/7 và kết thúc vào ngày hôm sau, tức ngày 7/7 hàng năm. Điểm đặc trưng trong ngày thất tịch Nhật Bản này là bạn sẽ thấy những cây trúc nhỏ được cắm ở khắp nơi, từ sân nhà, trường học, combini đến các công ty. Người Nhật Bản sẽ viết các điều ước của mình lên các mảnh giấy ngũ sắc hình nhữ nhật (tanzaku) và sau đó treo chúng lên cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Màu sắc của giấy là những màu chủ đạo trong ngũ hành như: màu xanh lục, hồng, vàng, trắng và đen. Sau khi lễ hội kết thúc, những cây tre và đồ trang trí sẽ đưa lên thuyền thả trôi trên sông hoặc đem đi đốt.
Nếu như ở Trung Quốc, vào ngày Thất Tịch họ thường ăn chè đậu đỏ để cầu may mắn thì món ăn đặc biệt trong ngày lễ này ở Nhật Bản là mì soumen lạnh sợi nhỏ. Bởi người Nhật quan niệm rằng những sợi mì somen này giống như những sợi tơ mà công chúa đã dệt trong những ngày chờ chồng. Nó có thể kết nối những người yêu nhau dù ở phương xa cũng luôn nhớ về nhau và kết nối cũng tâm hồn đang còn cô đơn về cùng một phía.
Ngoài ra, các đôi lứa sẽ cùng nhau đến đền thờ Thần đạo Shinto (神社) để cầu nguyện bên nhau trọn đời, còn những người độc thân sẽ cầu tình duyên.
Các bạn đã từng trải nghiệm không khí của lễ hội Tanabata chưa? Nếu rồi thì hãy chia sẻ cho truongtien.jp được biết nhé!
Nguồn: Tổng hợp
___________________________
Theo dõi những nét văn hoá đặc sắc khác của Nhật Bản trên「truongtien.jp」!