1. Sử dụng que thử thai
Khi cảm nhận thấy dấu hiệu mang thai (tính theo kỳ kinh đến muộn là chuẩn nhất), các mẹ trước tiên nên mua que thử thai (妊娠検査薬 – ninshin kensayaku) được bán tại khu vực vệ sinh phụ nữ tại các hiệu thuốc. Que thử thai có rất nhiều loại và cách sử dụng rất đơn giản, có thể sử dụng ngay.

2. Thời gian khám lần đầu
Thông thường, nếu không xảy ra những hiện tượng xấu trong cơ thể thì các mẹ nên đi khám vào khoảng tuần thứ 5-7 cuả thai kỳ. Thời gian hợp lý nhất là vào tuần thứ 7 và không nên đợi đến tuần thứ 11. Các mẹ nên để ý về kỳ kinh của mình, vì thường thì từ khi bắt đầu chậm kinh đồng nghĩa với việc mình có thể có mang được 1 tháng rồi.
Lý do chúng ta nên đi khám trong thời gian này vì đây là khoảng thời gian con đã ổn định trong tử cung và hình thành tim thai. Nếu đi khám đúng khoảng thời gian này, bạn sẽ được bác sĩ xác nhận mang thai thông qua giấy chứng nhận mang thai. Các mẹ mang giấy này đến các cơ quan hành chính địa phương để được hướng dẫn về sổ tay em bé và phiếu miễn giảm phí khám thai. TRUONGTIEN.JP đã có bài viết cụ thể nói về việc này, các mẹ có thể tìm đọc lại tại đây.
Thủ tục mang thai & Giới thiệu về sổ tay sức khỏe cho các mẹ Việt Nam tại Nhật
Nếu đi khám quá sớm sẽ rất có khả năng thai nhi vẫn chưa ổn định hay hình thành tim thai. Bạn phải đến khám một lần nữa theo lịch hẹn của bác sĩ và không nhận được giấy xác nhận mang thai. Kinh phí khám thai ở Nhật rất đắt và mỗi lần các mẹ đi khám cũng ảnh hưởng đến thời gian làm việc nữa, vì vậy các mẹ nên cân nhắc kỹ.
3. Phòng khám thai nên chọn chỗ nào?
Lý tưởng nhất nếu các mẹ có người quen ở Nhật thì có thể hỏi xin tư vấn trước. Tuy nhiên trong trường hợp các mẹ không quen ai thì chúng ta có thể tìm hiểu trong các cộng đồng mẹ Việt ở Nhật hoặc bằng cách tra từ khóa 産婦人科 (sanfujin ka) trên google. Ngoài ra các mẹ có thể tìm kiếm phòng khám tại trang web http://women.benesse.ne.jp/ để xem các review về các bệnh viện. Trang này là một diễn đàn dành cho các bà mẹ ở Nhật.

Về việc lựa chọn loại phòng khám, bạn có thể lựa chọn đi khám lần đầu ở phòng khám sản khoa tư nhân (clinic), hoặc ở các bệnh viện lớn. Ưu điểm khi khám tại bệnh viện lớn là bạn có thể khám thai định kỳ và sinh con và khám lần đầu ở đó. Việc này sẽ giúp bạn chỉ phải chờ đợi lần đầu, từ lần khám sau sẽ có lịch hẹn của bác sỹ, tiết kiệm thời gian hơn.
Tiêu chí lựa chọn phòng khám thai nên ưu tiên sự thuận tiện và giá thành hợp lý (bởi hầu như các phòng khám tại Nhật đều rất đáng tin cậy và dịch vụ cũng rất tốt).
Đặt lịch hẹn khám
Hiện nay, khá nhiều phòng khám đã áp dụng đặt lịch online, điền phiếu khám online, việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. TRUONGTIEN.JP thường nhận được rất nhiều chia sẻ về thời gian chờ khi khám thai rất lâu, nếu không đặt trước sẽ mất khoảng 2-3 tiếng chờ đợi.
Các mẹ nên chọn khám vào buổi sáng trong ngày hành chính để có thể làm thủ tục lấy Sổ tay cho mẹ và bé tại địa phương luôn vào buổi chiều. Rất nhiều bệnh viện đồng ý miễn giảm chi phí khám nếu chúng mình lấy được Phiếu hỗ trợ khám thai tỏng ngày đó!
Chi phí khám
Lần đầu đi khám nếu không có gì bất thường bạn sẽ sẽ mất khoảng trên dưới 1 man Yên (tùy bệnh viện).
Nếu bạn được hẹn lịch khám lần thứ 2, khám tự phí thì sẽ tốn khoảng từ 3000-7000 Yên.
4. Hướng dẫn điền phiếu hỏi cho lần đầu khám thai
Khi đến khám lần đầu, bạn sẽ phải điền phiếu hỏi 問診票 (monshinhyou), đây là một bản khảo sát về thông tin cá nhân, các chỉ số sức khỏe, cân nặng, sinh con lần mấy, chu kỳ kinh nguyệt (KN) bao nhiêu ngày,….
Đây là một loại giấy tờ quan trọng giúp bác sĩ hiểu và tư vấn được tình trạng của mẹ bé. Vì vậy chúng ta nên điền thông tin rõ ràng và chi tiết một chút.
Giấy báo mang thai bản tiếng Việt các mẹ có thể tham khảo tại đây.
Giấy báo mang thai bản tiếng Việt

Quy trình khám bệnh
- Kiểm tra nước tiểu và các thông số cá nhân
- Nội soi
- Bác sĩ tư vấn và kê thuốc
- Hẹn lịch tái khám
—
Trên đây là những kinh nghiệm của TRUONGTIEN.JP trong quá trình khám thai tại Nhật, chúc các mẹ khám bệnh suôn sẻ và có một kỳ thai khỏe mạnh nhé!
Và đừng quên theo dõi chúng mình để đọc thêm các bài viết khác nhé!