Từ ngày 21/1, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng tình trạng bán khẩn cấp ở 13 tỉnh, thành trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 mới gây ra bởi biến thể Omicron đang bùng phát mạnh. Nhiều ý kiến quan ngại đợt bùng phát dịch lần này cùng với các chính sách hạn chế mới sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn đã chịu nhiều thiệt hại từ các đợt hạn chế trước đó.
Anh Yuta Mukouda – chủ một quán ăn ở Tokyo, tuyên bố sẽ đóng cửa hàng vĩnh viễn vì không thể chịu được tình trạng dịch bệnh liên miên như hiện nay.
“Từ mai là tôi đóng cửa hàng, cứ như thế này tiền kiếm được không đủ trả cho nhân viên”, anh Yuta Mukouda nói.
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh, đi lại nhằm kiểm soát COVID-19 từ ngày 21/1 – 13/2 bao gồm yêu cầu quán ăn không bán rượu bia, phải đóng cửa từ 21h và người dân hạn chế đi lại, tăng cường làm việc từ xa. Các biện pháp hạn chế này ước tính sẽ gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Ông Toshihiro Nagahama – Kinh tế gia trưởng của Viện nghiên cứu Dai-ichi cho hay: “Tình trạng bán khẩn cấp này sẽ làm giảm quy mô tiêu dùng cá nhân khoảng 150 tỷ Yen và làm nền kinh tế mất đi 7.000 việc làm. Tác động lớn nhất sẽ nằm ở ngành chế biến thực phẩm và một vài lĩnh vực khác”.
Khi sức chịu đựng của nền kinh tế Nhật Bản đã tới hạn, nhiều tiếng nói kêu gọi Chính phủ xem COVID-19 như một bệnh thông thường và ngừng áp dụng các lệnh hạn chế kinh doanh. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản khó có thể phớt lờ dịch bệnh khi số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng lên.
Nhật Bản đã bơm hàng trăm tỷ USD ra nền kinh tế, gần nhất là gói kích cầu trị giá 490 tỷ USD được thông qua cuối năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vẫn chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay.
Nguồn: VTV news