Những “chiến sỹ Việt Nam mới” người Nhật Bản đã ở lại cống hiến cho Cách mạng đất nước ta.

Việc làm có thể bạn quan tâm

「truongtien.jp」Hôm nay là môt ngày đặc biệt: ngày Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta giành được chính quyền từ tay Phát xít Nhật (19/08/1945 – 19/08/2021). Tuy nhiên, thật không ngờ rằng, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đã có nhiều quân nhân Nhật Bản, thay vì về nước, thì họ ở lại, cống hiến hết sức cho Cách mạng nước ta. Họ, cùng với những người ngoại quốc khác, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước ta, được gọi là “chiến sỹ Việt Nam mới”.

Bài viết này hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn một góc nhìn mới mẻ về những quân nhân từng phục vụ cho chính quyền Phát xít Nhật, nay lại đấu tranh cho phe chính nghĩa.

Những “chiến sỹ Việt Nam mới” gốc Nhật

1. “Chiến sỹ Việt Nam mới”, họ là ai?

Chiến sĩ “Việt Nam mới” hay người “Việt Nam mới” là tên mà người Việt Nam dùng để gọi những người nước ngoài tình nguyện tham gia hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Họ không phải đều là “hàng binh”, vì vậy để tránh gây ngộ nhận, mặc cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên chung cho họ là “người Việt Nam mới”. Họ đến từ khắp nơi, trong đó có Nhật Bản – một điều khá dễ hiểu vì Nhật Bản đã từng xâm lược và chiếm đóng nước ta trong giai đoạn năm 1940 – 1945.

Theo Bộ Bộ Lao động và Y tế Nhật Bản năm 1955, khoảng 600 người tham gia Việt Minh 1945 và ước tính “khoảng một nửa trong số đó đã ngã xuống trên mảnh đất Việt Nam”. Vậy vì sao họ đào ngũ và không muốn trở về quê hương mình? Các nhà nghiên cứu đã có nhiều cách lý giải khác nhau, thường là: bi quan về tương lai của nước Nhật dưới sự chiếm đóng của quân Mỹ; lo sợ bị ngược đãi với thân phận là tù binh; quyết tâm chiến đấu của một người lính có sứ mạng Đại Đông Á, hoặc có một mối quan hệ tình cảm ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân ra sao thì tinh thần cống hiến cho Cách mạng Việt Nam vẫn thực sự đáng quý.

*Về thuyết Đại Đông Á: Đại Đông Á là khẩu hiệu được chính phủ và quân đội Đế quốc Nhật Bản đề xướng trong thời kỳ Showā (Chiêu Hòa), nhằm tìm kiếm sự “thịnh vượng chung” cho các quốc gia châu Á, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và hòa bình, hoàn toàn không lệ thuộc vào chủ nghĩa thực dân và thống trị của phương Tây. Chính vì thế, nhiều lính Nhật sau Thế chiến II nghĩ rằng, Nhật Bản đã bị phụ thuộc vào Mỹ rồi (và Mỹ cũng đưa quân đội vào Nhật nữa), nên Nhật Bản đã không thể làm được “Đại Đông Á” này. Vì thế, họ thà rằng ở lại nước ta chống Pháp và hoàn thành lý tưởng “không phụ thuộc vào sức mạnh phương Tây” tại Việt Nam.

Hoạt động nổi bật nhất của những người Nhật “Việt Nam mới” là lĩnh vực huấn luyện quân sự. Điều này xuất phát từ nhu cầu trực tiếp của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Nam Bộ bắt đầu. Nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó là phải tăng cường lực lượng vũ trang cả về số lượng và chất lượng. Các chiến sĩ Vệ quốc đoàn cần phải có kiến thức về kỹ thuật và chiến thuật, cán bộ chỉ huy cần phải có trình độ nhất định về chính trị và quân sự. Những người Nhật “Việt Nam mới” đã được chỉ huy nhiều đơn vị quân đội trưng dụng làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự. Những người Nhật “Việt Nam mới” cũng nhận được nhiều huân huy chương từ Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam, thậm chí được kết nạp vào Đảng.

2. Một số “chiến sỹ Việt Nam mới” tiêu biểu

2.1 Takuo Ishii – “anh Ba Dũng”

Takuo Ishii – “anh ba Dũng”

Takuo Ishii (03/12/1919-20/05/1950) là một Thiếu tá Lục quân Nhật Bản trong Thế chiến II, một “người Việt Nam mới” trong cuộc Kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.

Takuo Ishii sinh ra tại Fukuyama, Hiroshima. Ông tốt nghiệp khoá 53 (1940) Học viện Lục quân Đế quốc Nhật Bản và được cử về Trung đoàn Kị binh 11. Tháng 11/1941, Trung uý Takuo Ishii thuộc Sư đoàn 55 tham chiến ở Miến Điện chống lại quân Anh. Tháng 12/1943, Takuo Ishii được thăng quân hàm Đại uý. Tháng 6 năm Chiêu Hoà thứ 20 (1945), Takuo Ishii được thăng hàm Thiếu tá, sĩ quan thuộc ban tham mưu Sư đoàn 55 và qua đóng quân ở Phnompenh, Cambodia.

Tháng 10/1945, sau khi tiếp xúc với phong trào độc lập của nhân dân Đông Dương, Thiếu tá Takuo Ishii rất ngưỡng mộ và muốn tham gia giúp những dân tộc Á Đông chống lại Thực dân phương Tây. Ông xin phép thượng cấp cho phép được tham gia phong trào của Việt Minh và được sư trưởng Sư đoàn 55 đồng ý. Sau đó, Thiếu tá Takuo Ishii và Thiếu tá Kanetoshi Toshihide (chỉ huy Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 144, Sư đoàn 55) cùng với vài binh sĩ Nhật khác lên xe tải và đi tới Sóc Trăng, tình nguyện tham gia Việt Minh.

Tới Việt Nam, ông được Việt Minh chào đón và sau đó di chuyển ra vùng tự do Liên Khu 5. Tháng 5/1946, ông và một số sĩ quan Nhật khác đã cùng với đồng chí Nguyễn Sơn thành lập Trường Trung học Lục quân Quảng Ngãi – ngôi trường quân sự đầu tiên của Liên khu 5. Trợ lí của Thiếu tá Takuo Ishii là Thượng sĩ Yoshio Takano (cựu quân nhân Trung đoàn 29, Sư đoàn 2). Sau đó, ông tham gia thành lập Trường quân sự Tuy Hoà để đào tạo chuyên sâu về chiến tranh du kích. Ông có tên tiếng Việt là Trần Chí Dũng và cỏn có tên thân mật lả “anh Ba Dũng”.

Từ năm 1948 tới năm 1949, Takuo Ishii là sĩ quan tham mưu cho một Tiểu đoàn của Liên khu 5, tham gia nhiều trận đánh khiến cho quân Pháp phải nhận nhiều thất bại nặng nề. Vùng tự do Liên khu 5 được giữ vững suốt 9 năm Kháng chiến và quân Pháp không thể đánh bại quân và dân Liên khu 5.

Ngày 20/05/1950, trong một chuyến thị sát, Takuo Ishii và trợ lí hi sinh do trúng một quả mìn của quân Pháp. Sau này, Takuo Ishii đã được thờ trong đền Yasukuni tại Nhật Bản.

2.2 Nakahara – Minh Ngọc

Trước Cách mạng tháng Tám, Nakahara Mitsuboni là sĩ quan tham mưu quân đội Thiên hoàng tại Bộ tham mưu tướng Ikawa, tư lệnh quân đội Nhật ở miền Trung Việt Nam và Lào. Bấy giờ, anh mới 22 tuổi. Cuối tháng 8.1945, sau những cuộc biểu tình, tuần hành của nhân dân Huế, khi lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước cửa Ngọ Môn và Thiên hoàng đã ra lệnh đầu hàng, anh cùng với một số sĩ quan Nhật khác đã tận mắt thấy sức mạnh chính nghĩa của một dân tộc. Họ quyết định không trở về Nhật mà xin phép với ủy ban Hành chính Trung Bộ do ông Trần Hữu Dực làm Chủ tịch, được phép ở lại Việt Nam, đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam, tình nguyện làm một chiến sĩ “quốc tế – dân tộc”…

Mang cái tên Việt Nam là Minh Ngọc, Nakahara đã giúp Việt Minh lấy súng đạn, quân trang, lương thực của Nhật chuyển tới bộ đội Việt Nam, huấn luyện quân sự cho thanh niên… Cuối năm 1945, đầu năm 1946… anh và các đồng chí người Nhật gặp tướng Nguyễn Sơn và được đưa vào miền Nam công tác. Nakahara được phân công làm đại đội trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi, rồi anh ra Việt Bắc tham gia công tác quân sự, làm phái viên Bộ Tổng tham mưu với chức danh “Tham nghị quân sư”.

Nakahara – Minh Ngọc về nước năm 1954. Năm 1955, cùng với các bạn Nhật, Nakahara – Minh Ngọc tổ chức Hội Nhật- Việt hữu nghị và Hội Mậu dịch Nhật – Việt. Với vai trò Chủ tịch Hội Mậu dịch Nhật – Việt, Nakahara đã kêu gọi nhân dân Nhật Bản giúp Việt Nam, quyên góp được 12 tàu hàng hóa, mỗi năm thực hiện 2 chuyến chở hàng đến Việt Nam trong thời gian nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước…

2.3 Kazumasa – Phan Lai

Ông Igari Kazumasa quê ở thành phố Sendai vùng Đông Bắc Nhật Bản. Vốn là một bác sĩ, ông bị điều động sang Việt Nam phục vụ cho cuộc xâm lược của phát xít Nhật trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, mang quân hàm trung úy.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam thành công, quân đội Nhật bị Đồng Minh vào giải giáp, quân Pháp núp sau lưng quân Anh đồng minh đã quay lại gây hấn ở Nam Bộ từ ngày 23.9. Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Minh đã nổ ra ở Nam Bộ, rồi ngày càng lan rộng. Vào thời điểm ấy, Kazumasa cùng một số sĩ quan, binh sĩ người Nhật đã tìm cách bắt liên lạc với Việt Minh, đứng về phía nhân dân Việt Nam cùng chiến đấu chống Pháp.

Khi cùng các đồng đội Việt và Nhật cùng chiến đấu, công tác, ông Kazumasa có tên gọi Việt Nam là Phan Lai. Thực ra, ông lấy họ Phan là từ họ của vợ người Việt – Phan Thị Nguyên. Sau này đứa con trai của họ được đặt tên với họ của bố là Igari và tên Việt Nam mang họ của mẹ – Phan Thế Vọng, cũng còn hàm ý luôn nhắc nhở các con không bao giờ quên Tổ quốc Việt Nam mà ông đã gắn bó như máu thịt.

Từ tháng 10.1945 đến năm 1959, Kazumasa – Phan Lai đã phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên nhiều cương vị khác nhau như một thầy giáo huấn luyện quân sự hay chuyên môn, một bác sĩ cứu chữa thương bệnh binh, một “chuyên gia”… Dù ở cương vị nào, Kazumasa đều tận tâm làm việc, vượt mọi khó khăn thiếu thốn, góp sức mình phục vụ cuộc kháng chiến của Việt Nam.

Đến năm 1959, sau gần 15 năm gắn bó với Quân đội nhân dân Việt Nam, ông cùng vợ hồi hương về Nhật Bản. Năm 1960, Kazumasa – Phan Lai được Đảng Cộng sản Nhật giao nhiệm vụ lập Hội Hữu nghị Nhật – Việt và làm hội trưởng. Ông và những người bạn Nhật Bản từng công tác và chiến đấu ở Việt Nam đã rất tích cực trong các hoạt động ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng và trong công cuộc xây dựng lại đất nước…

Tóm lại, dù là nguyên do gì, việc những người Nhật ở lại và chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam là sự cống hiến xứng đáng được ghi nhận. Họ là dấu ấn lịch sử cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

Nguồn: Tổng hợp từ những tài liệu lịch sử quý giá như Báo Dân Việt, Wikipedia, Fanpage Lạc khởi và Fanpage Hội yêu Lịch sử – Khí tài Quân sự…

________________________

Theo dõi truongtien.jp để cập nhật những tin tức thú vị nhất từ nước Nhật!

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến du học hoặc tuyển dụng. Hãy liên hệ hay với TRUONG TIEN JP

Có thể bạn quan tâm

Chào mừng các bạn đến với TRUONGTIEN.JP – Trang web dành riêng cho mọi người đam mê và quan tâm đến văn hóa, kiến thức và cuộc sống ở Nhật Bản!

Tại TRUONGTIEN.JP, chúng tôi tự hào mang đến cho bạn một nguồn thông tin đa dạng và hữu ích về đất nước Mặt Trời Mọc. Chúng tôi không chỉ chia sẻ về các khía cạnh văn hóa độc đáo và ẩm thực ngon miệng, mà còn cung cấp thông tin về tuyển sinh và tuyển dụng tại Nhật Bản.

Chúng tôi luôn chào đón ý kiến đóng góp và phản hồi từ bạn. Hãy thường xuyên ghé thăm trang web của chúng tôi để cập nhật thông tin mới nhất và tận hưởng hành trình khám phá Nhật Bản cùng chúng tôi. Cảm ơn bạn đã đến và hãy hòa mình vào sự phong phú và thú vị của văn hóa Nhật Bản tại TRUONGTIEN.JP!

Thông tin tuyển sinh

Công việc mới nhất