Cùng tìm hiểu về Fukuzawa Yukichi và Shibusawa Eiichi – những người đặt nền móng cho nước Nhật Bản hiện đại.

Việc làm có thể bạn quan tâm

*Bài viết chứa khá nhiều yếu tố học thuật được ghi nhỏ ở phần trích dẫn. Nếu bạn muốn nắm bắt nhanh những thông tin chính, có thể bỏ qua phần này.

1. Fukuzawa Yukichi – nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản thời Cận đại

TRUONGTIEN.JP: Chân dung của Fukuzawa Yukichi năm 1891
TRUONGTIEN.JP: Chân dung của Fukuzawa Yukichi năm 1891

Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản cận đại. Ông được xem là người có công mở đầu phong trào canh tân nước Nhật, cổ động dân chúng trút bỏ tư duy lạc hậu thời cổ đại mà tiếp thu học thuật Tây phương để sánh bước với các nước Âu Mỹ.

Nhằm tưởng nhớ công lao của ông, Chính phủ Nhật Bản đã in chân dung ông lên tờ tiền 10.000 Yên – tờ tiền có mệnh giá cao nhất, trong giai đoạn từ 1984 – 2024 (dự kiến).

TRUONGTIEN.JP: Fukuzawa Yukichi - Triết gia Nhật Bản xuất hiện trên tờ tiền 10.000 Yên trong giai đoạn 1984-2024
TRUONGTIEN.JP: Fukuzawa Yukichi – Triết gia Nhật Bản xuất hiện trên tờ tiền 10.000 Yên trong giai đoạn 1984-2024

Xuất thân, gia đình

Fukuzawa Yukichi sinh tại Ōsaka, khi cha ông đang ở đó làm đại diện cho lãnh chúa xứ Nakatsu. Cha ông vốn là một nhà Nho nhiệt tâm với kinh sử, nhưng suốt đời không thoát khỏi cuộc đời tầm thường quanh quẩn xoay quanh việc sổ sách chi thu cho lãnh chúa. Vì cho công việc đó nặng phần ô trọc, không vượt ra khỏi vòng thủ thúc giai cấp nên ông là người bất đắc chí. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến nhận xét về đẳng cấp xã hội của Fukuzawa sau này.

Năm 1836, khi ông mới lên 1, cha mất, gia đình ông lâm vào cảnh túng quẫn nên đành phải bỏ Osaka mà về lại Nakatsu. Năm bốn tuổi, ông được gửi sang nhà chú ruột làm con nuôi. Ngay từ thuở niên thiếu, ông đã cảm nhận sâu sắc nỗi tủi nhục do chế độ đẳng cấp và nỗi khổ do tình cảnh khốn quẫn của gia đình.

“Ở Nakatsu quê tôi, chế độ quyền thế gia truyền giữa các sĩ tốc được quy định nghiêm ngặt. Không chỉ trong chốn công đường mà nguyên tắc đó còn thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả trong quan hệ giữa đám trẻ con trong làng. Con cái của các Võ sĩ cấp thấp như tôi phải thưa gửi, lễ phép khi nói chuyện với con cái của các Võ sĩ cấp cao. Ngược lại, con cái của các Võ sĩ cấp cao luôn cao giọng, khiếm nhã đối với tôi. Sự phân biệt, chia rẽ trên dưới, sang hèn con thể hiện trong cả lúc chơi đùa, chạy nhảy. Con cái nhà quyền thế chỉ chơi với con cái nhà quyền thế. Trong lớp học, tôi học giỏi hơn. Vật tay, tôi cũng không bao giờ thua. Vậy mà lúc nào chúng cũng tỏ thái độ kiêu căng, ngạo mạn với tôi. Tôi bất bình đến mức không sao chịu nổi” (Fukuzawa tự truyện).

Năm 14 tuổi ông chính thức nhập học đúng theo khuôn khổ Nho giáo cổ điển nhưng vì đã quen lối sống trong thành nên cả gia đình không dễ hòa nhập vào cuộc sống thôn dã khép kín, bị chi phối nặng nề bởi chế độ phong kiến lãnh địa. Sự việc đó cũng góp phần giúp Fukuzawa thấu hiểu rằng nề nếp cổ đã lỗi thời, không thể khư khư kìm hãm lực tiến hóa được. Ông thấy “học vấn ở đâu cũng chỉ toàn là Hán học”. Mặc dù học Nho học, nhưng Fukuzawa Yukichi không lấy đó làm “khuôn vàng, thước ngọc” mà ngược lại, ông càng nhận thấy sự bất công trong xã hội phong kiến

“Nakatsu quê tôi, chế độ phong kiến đã áp đặt trật tự xã hội từ hàng trăm năm trước thế nào thì nay vẫn thế nấy”. Mọi thứ cứ như bị nhồi chặt cứng trong hộp. Kẻ sinh ra trong nhà quản gia thì sau này cũng trờ thành quản gia. Người sinh ra trong gia đình thấp cổ bé họng thì sau này cũng vẫn thấp cổ bé họng. Tổ tiên là quyền quý thì đời đời là quyền quý. Tổ tiên nghèo hèn thì từ đời này sang đời khác vẫn cứ nghèo hèn” (Fukuzawa tự truyện).

TRUONGTIEN.JP: Những quan điểm của ông về chế độ phong kiến Nhật Bản lỗi thời được ghi lại trong Phúc Ông tự truyện
TRUONGTIEN.JP: Những quan điểm của ông về chế độ phong kiến Nhật Bản lỗi thời được ghi lại trong Phúc Ông tự truyện

Thời thanh niên

Năm 1853, với tình hình chính trị hết sức biến động: Hoa Kỳ ép Nhật Bản phải “mở cửa” thông thương với thế giới bên ngoài, Fukuzawa càng được thôi thúc tìm tòi những con đường mới để giúp đất nước Nhật Bản thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Ngay năm sau, 1854 Fukuzawa bỏ Nakatsu ra Nagasaki với ý định học kỹ thuật pháo binh chế tạo thuốc súng theo khoa học châu Âu. Vì Nhật Bản bấy lâu vẫn theo đuổi chính sách bế quan tỏa cảng 鎖国 (Sakoku: Tỏa quốc) – hạn chế tối đa mọi tiếp xúc với Tây phương và mở mỗi hải cảng Nagasaki cho người Hà Lan được phép lập thương cuộc đổi chác hàng hóa nên đó cũng là cửa ngõ duy nhất người Nhật tiếp nhận văn hóa Tây phương. Sách vở từ phương Tây bấy giờ, hay đúng ra là sách của người Hà Lan đã trở thành môn Hà Lan học để người Nhật nghiên cứu. Qua sự học hỏi, tìm tòi, trước tiên bằng cách học tiếng Hà Lan, rồi đọc kỹ sách vở của họ, Fukuzawa cảm nhận được tinh thần thực dụng của học thuật Âu châu và dần tiếp thu nhiều tư tưởng khác liên quan đến cả nhân sinh quan.

Fukuzawa muốn trau dồi thêm kiến thức nên dời lên Osaka theo học thày Ogata Kōan, một học giả Hà Lan học có tiếng lúc bấy giờ. Là một vị thày uyên bác và nhân hậu, lối ứng xử của Ogata Kōan đã tác động không nhỏ tới Fukuzawa; ông cũng thấm nhuần tư tưởng và tác phong đó. Ba năm sau, khi ông mới 25 tuổi, Fukuzawa tòng lệnh của lãnh chúa Nakatsu, lên Edo mở trường tư thục để dạy dỗ các phiên thuộc của lãnh chúa. Ngôi trường đó là tiền thân của trường Đại học Keio ngày nay.

TRUONGTIEN.JP: Trường Tư thục mà Fukuzawa Yukichi thành lập là tiền thân của Đại học Keio nổi tiếng sau này
TRUONGTIEN.JP: Trường Tư thục mà Fukuzawa Yukichi thành lập là tiền thân của Đại học Keio nổi tiếng sau này

 “Tại đây, chỗ nào cũng gặp người phương Tây”. “Nhà cửa, quán xá mọc lên khắp nơi. Họ ở đó và buôn bán. Tôi dùng tiếng Hà Lan để trao đổi. Họ không hiểu. Nghe họ nói tôi cũng không hiểu. Nhìn vào hàng chữ trên các bảng quảng cáo, các tờ cáo thị, tôi không đọc được. Không biết đó là tiếng gì, tiếng Anh hay tiếng Pháp?” (Fukuzawa Tự truyện).

Nhận thấy “Hà Lan học” đã trở nên lạc hậu với thời đại, ông quyết chí bắt tay vào học tiếng Anh để tiếp cận văn minh Anh – Mỹ. Ông là một trong những người tiên phong trên con đường này nên phải thâu thập sách vở, tự học bằng từ điển, thậm chí học lỏm từ các thuyền viên ngoại quốc trong cảng.

Khi nghe tin Mạc phủ cử một phái đoàn đi sứ sang Hoa Kỳ vào năm 1860, ông không ngần ngại xin theo tháp tùng trên con tàu Kanrin Maru mặc dù vào thời đó việc vượt đại dương lắm rủi ro, có thể nói quyết định của Fukuzawa là hết sức táo bạo. Tàu đáp ở San Francisco và nán lại một tháng, cho phép Fukuzawa tận kiến nếp sống tiên tiến và khoa học kỹ thuật. Chuyến đi Mỹ năm đó, tiếp theo là chuyến sang châu Âu (1862), rồi lại một lần nữa sang Mỹ (1867) là động lực lớn giúp ông thâu nhận kiến thức rộng rãi, ảnh hưởng đến những quyết định tư duy và phương thức cách tân Nhật Bản của ông.

TRUONGTIEN.JP: Chân dung của Fukuzawa Yukichi năm 1862
TRUONGTIEN.JP: Chân dung của Fukuzawa Yukichi năm 1862

Thời kỳ Cải cách Minh Trị (năm 1868 trở đi)

“Một điều thú vị tình cờ là cuộc cải cách Minh Trị duy tân bắt đầu vào năm 1868, lúc Fukuzawa 33 tuổi. Tức là nếu lấy năm Minh Trị thứ nhất làm mốc có thể chia cuộc đời 66 năm của ông thành hai phần thì chẵn phân nửa đời ông là thời gian trước triều Minh Trị; chẵn phân nửa sau là sau khi vua Minh Trị chấp chính. Qua đó sẽ thấy được những biến cố lớn lao không chỉ đối với bản thân cuộc đời Fukuzawa mà của cả xã hội Nhật Bản.”

Với kinh nghiệm học được từ người phương Tây qua sách vở và những chuyến thị sát, ông đã nhiệt huyết truyền bá những tư tưởng tiến bộ bằng mọi phương tiện: dịch sách, viết báo, giảng dạy. Ông đã tách mình ra khỏi biến động chính trị cuối thời Mạc phủ Edo, chú tâm vào việc giáo dục, phổ biến những giá trị Tây phương. Tài năng văn chương khi diễn đạt tầm nhìn sâu rộng và nhận xét sắc bén của ông đã lôi cuốn sự chú ý của giới trí thức lẫn bình dân. Bản thân ông đã tiên phong nêu gương đề cao tinh thần độc lập, thực học, và bình đẳng.

Tác phẩm Sự tình phương Tây, mười tập, được viết từ năm 1866-1870 trên cơ sở những điều “mắt thấy, tai nghe” trong thời gian ở phương Tây, số lương phát hành lên tới hai mươi lăm vạn bản. Tác phẩm giới thiệu thế giới văn vật, quan niệm về quyền lợi và nghĩa vụ, chế độ chính trị, cơ cấu xã hội, nền giáo dục, học thuật, luật pháp, lịch sử, nền công nghiệp, quân sự… của các quốc gia Âu – Mỹ. Tác phẩm này được người Nhật Bản coi là “cẩm nang” của chính phủ Minh Trị trong việc xây dựng xã hội Nhật Bản theo mô hình phương Tây.

Trong tác phẩm Khái lược về văn minh xuất bản năm 1875 và Đổi mới lòng dân xuất bản năm 1879, Fukuzawa Yukichi khảo sát về lịch sử và nguyên nhân phát triển của các nền văn minh cổ kim Đông Tây. Ông đã bàn về con đường hưng thịnh, suy vong của Nhật Bản, về cuộc sống của nhân dân Nhật Bản khi tiến lên văn minh trong tương lai. Tư tưởng, triết học, quan điểm lịch sử, quan điểm quốc gia của Fukuzawa Yukichi được biểu lộ qua hai tác phẩm này.

Fukuzawa tin rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc:

“Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, [do đó] bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người.”

TRUONGTIEN.JP: Chân dung của Fukuzawa Yukichi năm 1891
TRUONGTIEN.JP: Chân dung của Fukuzawa Yukichi năm 1891

Fukuzawa kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học của phương Tây, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật. Mỗi người trong xã hội, từ các học giả uyên bác, những viên chức nhà nước địa vị cao đến những nông dân nghèo và những người buôn bán nhỏ đều có thể đi học để thực hiện tốt hơn chức năng riêng của mình, từ đó đóng góp sức mình vào phát triển xã hội, chứ không nhất thiết phải học để ra làm quan theo lối suy nghĩ truyền thống của Nho học hủ lậu. Fukuzawa phê phán lối học ấy trong xã hội Nhật đương thời:

“Trong xã hội Nhật Bản, mười người thì cả mười, trăm người thì cả trăm, tất cả đều mưu cầu việc tiến thân, thăng quan tiến chức và trở thành công chức”.

Fukuzawa là người đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: “Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”, tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, chứ không phải dựa vào chính phủ. Ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm “coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ”, tự tin vào sức mạnh cá nhân mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác.

Ngoài ra, ông không coi mình là người làm chính trị, mà chỉ là “bác sĩ bắt mạch chính trị”. Ông không tham gia chính quyền, dù được mời nhiều lần, nhờ đó có cơ hội phê phán chính quyền một cách mạnh mẽ và kiên quyết hơn.

Những tác phẩm nổi tiếng

  • Khuyến học (1872-1876)
  • Bàn về dân quyền (1878)
  • Bàn về tiền tệ (1878)
  • Bàn về quốc quyền (1879)
  • Bàn về quốc hội (1879)
  • Bàn về kinh tế tư nhân (1880)
  • Bàn về thời sự thế giới (1882)
  • Bàn về quân sự (1882)
  • Bàn về nghĩa vụ quân sự (1884)
  • Bàn về ngoại giao (1884)
  • Bàn về phụ nữ Nhật Bản (1885)
  • Bàn về phẩm hạnh (1885)
  • Bàn về cách nhân sĩ xử thế (1886)
  • Bàn về giao tiếp (1886)
  • Bàn về nam giới Nhật Bản (1888)
  • Bàn về hoàng gia Nhật Bản (1888)
  • Bàn về thuế đất (1892)
  • Bàn về tiền đồ và trị an quốc hội (1892)
  • Bàn về thực nghiệm (1893)
  • Fukuzawa Yukichi tuyển tập (1897-1899)
  • Bàn về đại học nữ, đại học nữ mới (1899)
  • Fukuzawa Yukichi tự truyện (1899) – tác phẩm này đã ảnh hưởng rất nhiều lên tư tưởng đến nhà yêu nước Phan Bội Châu của chúng ta sau này.

Trong đó, hôm nay TRUONGTIEN.JP xin được giới thiệu cho các bạn tác phẩm Khuyến học, một tác phẩm mà giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn cho đến bây giờ.

Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có số lượng ẩn bản kỷ lục là 3.4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng 35 triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy tân. Kể từ đó đến nay, cuốn sách này đã được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần.

TRUONGTIEN.JP: Khuyến học - tác phẩm mà giá trị của chúng vẫn còn mãi
TRUONGTIEN.JP: Khuyến học – tác phẩm mà giá trị của chúng vẫn còn mãi

Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền học vấn mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị… Khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị.

Với tuyên ngôn “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, Fukuzawa Yukichi  đã gây kinh ngạc và bàng hoàng – như “không tin vào tai mình” – cho đa số người dân Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới thời phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học sáo rỗng và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực học”. Nền học vấn thực học phải gắng liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là “Làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản” trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.

2. Shibusawa Eiichi – Cha đẻ của nền kinh tế Nhật Bản hiện tại, 1 trong 12 người lập nên nước Nhật Bản

TRUONGTIEN.JP: Shibusawa Eiichi - "Thủy tổ của Chủ nghĩa Tư bản Nhật Bản"
TRUONGTIEN.JP: Shibusawa Eiichi – “Thủy tổ của Chủ nghĩa Tư bản Nhật Bản”

Nếu chúng ta coi Fukuzawa Yukichi là người đặt nền móng cho tư tưởng của đất nước Nhật Bản hiện đại hùng cường, thì Shibusawa Eiichi (1840 – 1931) được coi là “kiến trúc sư” cho việc thành lập rất nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Cụ thể hơn, các ngành nghề mà Shibusawa đã có quan hệ gồm từ ngân hàng tới đường sắt, vận tải đường biển, xí nghiệp chế tạo, công ty mậu dịch, v.v.. Có thể nói, ông đã dựng nên khoảng 500 xí nghiệp lớn trong hầu hết các ngành nghề. Chỉ bao nhiêu đó thôi, có thể nói Shibusawa chính là nhân vật tiên phong trong chủ nghĩa tư bản Nhật. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Cái quan trọng là ông đã tạo ra “giới kinh tài,” một giới không thấy có ở nước ngoài.

Chính phủ Nhật Bản dự định phát hành tờ 10.000 Yên có in chân dung ông vào năm 2024 nhằm tưởng nhớ những công lao to lớn của ông đối với kinh tế Nhật Bản hiện tại. Ngoài ra, việc phát hành tiền có in chân dung ông cũng mang ý nghĩa tinh thần to lớn, và là động lực để tạo ra một bước ngoặt mới cho nền kinh tế Nhật Bản.

TRUONGTIEN.JP: Đây là tờ 10.000 Yên được lưu hành vào năm 2024 để vinh danh Shibusawa Eiichi
TRUONGTIEN.JP: Đây là tờ 10.000 Yên được lưu hành vào năm 2024 để vinh danh Shibusawa Eiichi

Xuất thân và tuổi thơ

Shibusawa Eiichi sinh năm 1840, ở quận Hanzawa, đất Musashino (nay là thị trấn Fukaya, tỉnh Saitama), từ một gia đình phú nông. Thực tế, gia thế Shibusawa Eiichi thật ra làm nghề nuôi tằm, chế thuốc nhuộm bằng lá lam (lá tràm), và như vậy là một nhà kinh doanh tiểu công thương nhiều mặt.

Ta có thể coi gia thế Shibusawa Ei-ichi là nhà buôn, là thương gia, hơn là nhà nông. Ngoài ra, nghe nói gia đình ông còn làm cả nghề cầm đồ nữa. Gia đình ông hẳn phải có máu mặt trong địa phương. Xem như vậy, Shibusawa Eiichi đã sống thời thiếu niên trong gia cảnh vừa là nhà nông, vừa là nhà buôn lại vừa là nhà công nghiệp. Là một gia đình phong lưu, cho nên ông có điều kiện học hỏi được nhiều thứ. So với Fukuzawa Yukichi thì điều kiện học tập và phát triển bản thân của ông lớn hơn nhiều.

Ngay từ sớm, Shibusawa đã bộc lộ nhãn quan kinh doanh nhạy bén với sản phẩm thuốc nhuộm chàm gia truyền. Từ năm lên 7 tuổi, ông bắt đầu học lịch sử cùng các kinh điển Trung Hoa dưới sự chỉ dạy của người anh họ Odaka Junchu – sau này đứng đầu Tomioka Silk Mill (một nhà máy dệt hiện đại đầu tiên ở Nhật do Shibusawa giúp thành lập).

Thời thanh niên

Năm 22 tuổi, ra thành Edo, Shibusawa đã nhập bọn với đám người chủ trương xua đuổi bọn man di và như vậy đã bôn tẩu phấn đấu nhiệt tình cho mục đích đó. Ông đã nhập bọn với đám người âm mưu đốt cháy khu nhà ở của người ngoại quốc ở Yokohama nghĩa là đã tham gia vào những hoạt động quá khích. Ðiều này chứng tỏ ông ở tuổi thanh niên đã là một người theo chủ nghĩa quốc túy, chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt.

Năm 24 tuổi (1864), Shibusawa đã được nhận vào làm cho gia đình Hitotsubashi, một trong ba dòng họ mạc chúa Tokugawa. Khi công tử Yoshinobu được chọn lên làm mạc chúa (đời thứ 15), thì Shibusawa cũng trở thành một nhân vật trung tâm của thể chế mạc phủ.

Năm 27 tuổi (năm 1867, niên hiệu Khánh Ứng năm thứ ba) ông theo Tokugawa Akitake (徳川昭武) em của mạc chúa Yoshinobu, tham dự Hội chợ Vạn quốc ở Paris nên có dịp hiểu biết về hệ thống kinh doanh cũng như ngành công nghiệp của Âu Châu. Tuy nhiên, nửa chừng cuộc viễn du châu Âu, cuộc cải cách Minh Trị xảy ra và mạc phủ Tokugawa bị giải tán.

Năm 1868 (niên hiệu Minh Trị nguyên niên), Shibusawa về nước, bèn cùng với gia đình Tokugawa lui về sống ở Shizuoka, ông giữ chức kế toán trưởng, là quan chức phát hành tiền tệ của phiên bang Sunpu trong một thời gian rất ngắn.

Những đóng góp của ông cho nền kinh tế Nhật Bản hiện đại

  • Thiết lập hệ thống ngân hàng và lưu thông tiền tệ
TRUONGTIEN.JP: Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản được thành lập vào năm 1882
TRUONGTIEN.JP: Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản được thành lập vào năm 1882

Từ Paris về nước, việc làm trước tiên của Shibusawa Eiichi là vay của lãnh địa Tokugawa ở Shizuoka 500 ngàn “lượng” (lúc ấy tiền còn tính bằng “lượng”) tiền giấy phi hối đoái, để lập ra “Phòng thương mại,” một công ty hợp doanh, tức là công ty cổ phần đầu tiên của Nhật Bản. Trong thời gian Hội chợ Paris diễn ra, Shibusawa đã được mắt thấy châu Âu, và ông đã tỏ ra vô cùng quan tâm tới sự thành lập công ty. Bởi thế, ông đã lập tức thực hành ý tưởng đó.

Đây chỉ là sáng kiến mượn tiền của Chính phủ trong khi chưa quyết định nội dung việc làm của công ty. Chính chỗ này cho thấy rõ cái cách suy nghĩ, cái điểm tựa tư tưởng của Shibusawa trong hoạt động sau này của ông. Nghĩa là, Shibusawa Eiichi chỉ quan tâm thành lập những tổ chức, chứ không chú trọng tới việc làm giàu cũng như tới việc gây dựng ngành nghề.

Nhưng, Shibusawa không ở lại Shizuoka. Ông tức thời từ chức và năm sau, 1869 (niên hiệu Minh Trị thứ hai), trở thành công chức Bộ Kho bạc của tân chính phủ. Thời ấy vì thiếu nhân tài, nên chính phủ đã vui lòng thu nhận cả cựu thần của mạc phủ.

Năm 1871 (niên hiệu Minh Trị thứ tư), đơn vị tiền tệ đổi từ “lượng” thành Yên. Năm sau, chính phủ chế định điều lệ Ngân hàng quốc doanh với mục đích thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ, đồng thời, đốt bỏ những tiền giấy phi hối đoái đã phát hành từ trước. Cùng với động thái này, Shibusawa năm 1872, đã từ chức khỏi Bộ Kho bạc và vận động thiết lập “Ngân hàng quốc doanh số 1” để năm sau nữa, năm 1873, chễm chệ ngồi vào ghế Thống đốc của ngân hàng này.

Thời đó, Shibusawa được coi là nhân vật số một trong những vấn đề tiền tệ, ngân hàng, tổ chức công ty. Cho nên, khi ngân hàng quốc doanh được thiết lập, thì trước hết người ta đã ngỏ lời mời Shibusawa vậy. Sự kiện giúp ông có cơ hội lập ra nhiều tổ chức, nhiều công ty khác.

Trước hết, Shibusawa đã liên quan đến sự thiết lập hệ thống ngân hàng. Không phải chỉ có “Ngân hàng quốc doanh số 1,” mà ông còn can dự vào sự thiết lập rất nhiều ngân hàng mang tên có số hiệu tại mỗi địa phương nữa. Đã có trên một trăm ngân hàng khác có tên gọi bằng số thứ tự, đã được thiết lập ở khắp nước Nhật. Một số ngân hàng như vậy hiện nay vẫn còn hoạt động. Chẳng hạn Ngân Hàng Số 4 ở Niigata[3], là một ngân hàng như vậy. Một số không nhỏ những ngân hàng như vậy đã được thiết lập với sự tham gia, tổ chức của Shibusawa.

Phải nói rằng, vai trò đầu tiên của Shibusawa là thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ kiểu hiện đại cho kinh tế Nhật Bản, chứ không phải đơn thuần chỉ là thiết lập ngân hàng.

Bạn đọc có thể đọc thêm: Về hệ thống ngân hàng ở Nhật Bản thời Minh Trị

Sau này, tới năm 1882 (niên hiệu Minh Trị thứ 15), Ngân hàng Nhật Bản, ngân hàng Nhà Nước “chính hiệu” mới được thiết lập. Chứ cho đến lúc đó, những ngân hàng như “Ngân hàng quốc doanh số 1,” hay những ngân hàng địa phương khác, tuy gọi là Ngân hàng quốc doanh, nhưng thực chất chỉ là ngân hàng dân doanh, được Nhà nước cho đặc quyền phát hành tiền tệ, không có vốn của Nhà nước đổ vào, cũng chẳng được Nhà nước bảo đảm gì cả.

Với hiểu biết hạn chế, cũng như thiếu vốn, chính phủ Minh Trị đã lập ra chế độ mà theo đó Nhà nước cho những thương gia hay những nhà giàu có uy tín ở các địa phương, được đặc quyền phát hành tiền tệ. Thay vào đó, họ phải nộp thế chấp cho Nhà nước bằng tiền vàng tiền bạc thực. Nói cách khác, Nhà nước dựa vào uy tín của những nhà giàu, giữ vàng bạc của họ làm thế chấp, rồi cho họ phát hành một lượng tiền giấy, gọi là Phiếu Ngân hàng quốc doanh, nhiều gấp mấy lần giá trị thế chấp của họ.

Việc cho phát hành ngân phiếu quốc doanh như trên còn có một mục đích nữa: đổi cho loại tiền giấy phi hối đoái đã được phát hành trước đó. Loại tiền giấy phi hối đoái do chính Chính phủ Minh Trị Duy tân phát hành, song vì lạm phát nên đã bị mất tín nhiệm.

Ngoài ra, bởi vì ngân hàng còn có chức năng giữ tiền gửi nữa nên Nhà Nước bắt phải nộp thế chấp bằng vàng bạc thực. Ðó là chế độ đã được lập ra vào đầu thời Duy tân Minh Trị. Không biết ai đã đề xướng ra chế độ đó, nhưng xem ra quả là một phương pháp thao tác tinh vi sự lưu thông tiền tệ tín dụng.

  • Thiết lập hệ thống công nghiệp và thành lập phòng thương mại Nhật Bản

Shibusawa đã lập ra rất nhiều xí nghiệp sản xuất. Năm 1873 (niên hiệu Minh Trị thứ sáu), ông đã thiết lập công ty giấy ở Oji, Tokyo (công ty này sau mang tên Công ty Giấy Oji), cho người cháu đứng làm giám đốc kỹ thuật. Sản xuất giấy là việc làm vô cùng quan trọng ở thời Minh Trị.

Năm 1882 (niên hiệu Minh Trị thứ 15), ông đã sáng lập Công ty Sợi Dệt Osaka. Ðây chính là mốc khởi đầu của nền công nghiệp dệt may hiện đại của Nhật Bản. Từ đó, Nhật Bản đã dần dần trở thành nước tâm điểm của thế giới về may dệt. Ngoài ra, Shibusawa còn tham gia sáng lập ra nhiều xí nghiệp may dệt khác, như Công ty sợi dệt Mie, v.v..

Năm 1887 (niên hiệu Minh Trị thứ 20), ông đã sáng lập ra Công ty phân bón nhân tạo Tokyo. Nghĩa là khi thấy rằng phân bón hóa học không thể thiếu được trong công cuộc chấn hưng nông nghiệp, ông đã lập tức thiết lập công ty phân bón hóa học vậy.

Sau đó, Shibusawa đã tham gia vào sự thiết lập nhiều công ty khác như Ðiện lực Tokyo, Khí đốt Tokyo, Khách sạn đế quốc, Ðường sắt mỏ than Hokkaido, Tàu biển Toyo, Ðường sắt Kyofu, v.v..

Từ năm 1906 (niên hiệu Minh Trị thứ 39) cho đến 40 năm sau, phong trào huy động vốn bằng cổ phiếu để khuếch trương hay tân lập công ty, đã trở nên rất sôi nổi. Hễ Shibusawa trở thành Chủ tịch cho ủy ban huy động nào, thì cổ phiếu của công ty đó bán chạy như tôm tươi. Sự kiện này đã nói lên sự kỳ vọng của người ta trước sự việc Shibusawa đã gây dựng nên bao nhiêu công ty vậy.

Có thể nói, ông đã dựng nên khoảng 500 xí nghiệp lớn trong hầu hết các ngành nghề nhưng ông chưa hề để cho con cái dựa dẫm vào quyền lực và mối quan hệ để đưa vào làm vị trí lãnh đạo trong các công ty mà ông đã góp phần thành lập nên.

Shibusawa Eiichi trong khi hoạt động tích cực gây dựng ngân hàng và công ty như vậy, thì đồng thời năm 1891 (niên hiệu Minh Trị thứ 24) đã nhậm chức Hội trưởng Phòng thương nghiệp Tokyo cho đến cuối đời.

Xuất thân phú nông, tiến thân làm quan cho mạc chúa, chuyển sang làm quan cho tân Chính phủ Minh Trị, sau nhờ có kiến thức mới nên được người ta cầu khẩn xin chỉ đạo lập công ty, Shibusawa không muốn mang toàn thân mình ra đánh cá độ. Vì chỉ muốn giữ địa vị “một người có máu mặt an toàn,” cho nên ông cũng muốn cho những nhà kinh doanh làm thuê như ông được quyền thế và vinh dự vậy.

Nhà kinh doanh làm thuê là những người không phải đã đóng góp một số vốn lớn cho công ty, nhưng có hiểu biết, có máu mặt, nên ở trong công ty đã leo thang danh vọng lên tới địa vị tổng giám đốc, chủ tịch. Shibusawa đã nghĩ tới “giới kinh tài” như là câu lạc bộ cho những nhà kinh doanh làm thuê như vậy.

Shibusawa Eiichi đã không trở thành đại phú hào như Iwasaki Yataro (người sáng lập tập đoàn Mitsuibishi). Cũng không thấy xuất hiện “nhóm tài phiệt Shibusawa.” Thế nhưng, ông có quan hệ ở khắp nơi; nơi nào cũng thấy có mặt ông; ông đã lập ra rất nhiều công ty, đã tổ chức hóa rất nhiều người. Không có một công ty nào trở thành vật sở hữu của ông cả. Ðồng thời, ông cũng không lãnh trách nhiệm đối với bất cứ công ty nào. Chẳng hạn, khi công ty Vận tải Cộng đồng thua cuộc cạnh tranh và bị phá sản, thì Shibusawa cũng không chịu trách nhiệm gì cả.

Bạn đọc có thể đọc thêm: Shibusawa Eiichi đã thành lập giới “kinh tài” như thế nào?

Theo Shibusawa, cái cơ sở để tạo nên chủ nghĩa tư bản Nhật là chủ nghĩa góp vốn và chủ nghĩa hợp tác. Nghĩa là, góp vốn từ mỗi người rồi hợp tác với nhau gây dựng ngành nghề sản xuất. Muốn vậy, không phải mỗi nhà kinh doanh chỉ một mình lo toan mỗi việc, là xong, mà phải đặt phòng thương nghiệp ở khắp nơi, rồi để cho phòng thương nghiệp này kêu gọi những nhà sản xuất địa phương bỏ vốn ra xây dựng công ty. Như thế mới là cách làm đúng. Nói cách khác, đây là sự đề xướng ra “chủ nghĩa hợp tác Nhật Bản” vậy. Thật ra, sự kiện này cho thấy chính Shibusawa đã hiểu lầm rằng công ty cổ phần là cơ quan hợp tác giữa các nhà tư sản. Sự hiểu lầm đó đã khiến Shibusawa đề xướng ra “chủ nghĩa góp vốn,” rồi trong quá trình hiện đại hóa đất nước, nó đã dần dần biến thành “chủ nghĩa tư bản kiểu hợp tác” đặc trưng của Nhật Bản. Chủ nghĩa như vậy lại dần dần phát triển thành “chủ nghĩa hợp tác của giới kinh tài” như thấy biểu hiện ở sự kiện mỗi khi thấy cần đầu tư vào vấn đề gì, là các xí nghiệp chủ yếu liền được kêu gọi góp vốn. Cứ như thế, từ thời Minh Trị, qua Ðại Chính tới Chiêu Hòa, Shibusawa Ei’ichi đã hoạt động ở cương vị chỉ đạo trung tâm của giới kinh tài. Hễ có việc gì, là lập tức người ta lại bảo nhau “tốt hơn hết là hãy mời Shibusawa chủ trì.”

Chủ nghĩa hợp tác kiểu Nhật Bản lại càng trở nên gắn kết mãnh liệt trong thời hậu chiến. Nó đã hình thành ra thể chế phe đảng hay thể chất phe phen của từng ngành nghề. Ðến nỗi ngày nay, mỗi khi muốn thành lập một ngành nghề mới, phải để cho Keidanren[4] hay Kankeiren[5] lên tiếng trước, rồi để cho các ngành nghề đã có trước góp vốn vào tùy theo tôn ti trật tự. Sự việc này đã trở thành “lệ.” Có thể nói chính Shibusawa là cha đẻ ra xã hội phe phen kiểu Nhật Bản.

*Xã hội phe phen kiểu Nhật Bản: dịch ý từ “談合 (Dangou: Ðàm hợp)” của Nhật Bản. “Ðàm hợp” có nghĩa là “thỏa hiệp ngầm,” “sắp xếp ngầm” giữa các nhà thầu trước khi tham gia đấu thầu, vừa để chia nhau những gói thầu, đồng thời để tự mình định mức giá thầu.

  • Thiết lập các trường đại học

Ông cũng đã tích cực đóng góp trong việc phát triển giáo dục Nhật qua việc thành lập những đại học nổi tiếng như Hitotsubashi, Waseda, Kokushikan, Dousisha, Nihojoshi…

TRUONGTIEN.JP: Đại học Tư thục Waseda
TRUONGTIEN.JP: Đại học Tư thục Waseda
  • Câu nói nổi tiếng
“夢なき者は 理想なし
Người không có ước mơ là người không có lý tưởng.
理想なき者は 信念なし
Người không có lý tưởng là người không có niềm tin.
信念なき者は 計画なし
Người không có niềm tin là người không có kế hoạch.
計画なき者は 実行なし
Người không có kế hoạch là người không có hành động.
実行なき者は 成果なし
Người không có hành động là người không có kết quả.
成果なき者は 幸福なし
Người không có kết quả là người không có hạnh phúc.
ゆえに幸福を求むる者は夢なかるべからず

3. Tổng kết

Fukuzawa Yukichi là một nhà tư tưởng lớn có ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế và giáo dục mà Fukuzawa Yukichi truyền bá đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của đất nước Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19. Người phương Tây coi ông như “Voltaire của đất nước mặt trời mọc”. Đặc biệt nhất, tư tưởng Khuyến học của Fukuzawa Yukichi vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Tên tuổi của Shibusawa Eiichi được ca ngợi mãi ở Nhật Bản, chiếm một vị trí lớn trong sách giáo khoa cho học sinh các cấp. Ông được xem là Thuỷ tổ của chủ nghĩa Tư bản Nhật. Ông được đánh giá là một trong những nhân vật lãnh đạo vĩ đại của thời kỳ Minh Trị và có thể nói ông là nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật xét từ mọi phương diện tài năng, đức độ, và mức độ ảnh hưởng đến quá trình đưa nước Nhật thành một cường quốc kinh tế.

Từ đó, ta có thể hiểu được, vì sao Fukuzawa Yukichi và Shibusawa Eiichi xứng đáng được có mặt trong tờ tiền 10.000 Yên – tờ tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản.

Nguồn: Tổng hợp

________________________

Theo dõi TRUONGTIEN.JP để cập nhật những tin tức thú vị nhất từ nước Nhật!

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến du học hoặc tuyển dụng. Hãy liên hệ hay với TRUONG TIEN JP

Có thể bạn quan tâm

Chào mừng các bạn đến với TRUONGTIEN.JP – Trang web dành riêng cho mọi người đam mê và quan tâm đến văn hóa, kiến thức và cuộc sống ở Nhật Bản!

Tại TRUONGTIEN.JP, chúng tôi tự hào mang đến cho bạn một nguồn thông tin đa dạng và hữu ích về đất nước Mặt Trời Mọc. Chúng tôi không chỉ chia sẻ về các khía cạnh văn hóa độc đáo và ẩm thực ngon miệng, mà còn cung cấp thông tin về tuyển sinh và tuyển dụng tại Nhật Bản.

Chúng tôi luôn chào đón ý kiến đóng góp và phản hồi từ bạn. Hãy thường xuyên ghé thăm trang web của chúng tôi để cập nhật thông tin mới nhất và tận hưởng hành trình khám phá Nhật Bản cùng chúng tôi. Cảm ơn bạn đã đến và hãy hòa mình vào sự phong phú và thú vị của văn hóa Nhật Bản tại TRUONGTIEN.JP!

Thông tin tuyển sinh

Công việc mới nhất