Báo cáo mới đây của Nhật Bản cho thấy dân số Nhật Bản đang bị già đi, dân số thậm chí còn bị giảm, vì vậy, Nhật Bản đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ và phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài.
Nhìn vào Nhật Bản, các quốc gia trên thê giới sẽ học được những bài học gì?
Đất nước của hai giai thoại
Có hai câu chuyện thường được kể về Nhật Bản. Câu chuyện đầu tiên nói về một Nhật Bản đang suy tàn, với dân số ngày càng giảm và già đi, lấy đi phần sức sống gần như đã cạn kiệt của đất nước này. Câu chuyện thứ hai nói về một xã hội hấp dẫn, siêu chức năng, hơi lập dị – một nơi thú vị để ăn sushi hoặc khám phá các nền văn hóa phụ khắc biệt và đầy lôi cuốn, nhưng ít liên quan đến thế giới bên ngoài. Nhưng đó là một sai lầm.
Nhật Bản không phải là một quốc gia ngoại lệ, tách biệt hoàn toàn với phần còn lại như người ta thường nghĩ. Nhật Bản đúng hơn là một quốc gia đi tiền trạm. Nhiều thách thức mà đất nước này phải đối mặt đã tác động đến các quốc gia khác, hoặc sẽ sớm tác động, trong đó có tốc độ già hóa dân số nhanh chóng và nguy cơ thiên tai. Thực tế là Nhật Bản đã sớm trải qua những vấn đề khiến nước này trở thành một phòng thí nghiệm hữu ích để thế giới quan sát các tác động của chúng và tìm ra cách ứng phó.
Học cách sống chung với nguy cơ
Bài học đầu tiên là các xã hội phải học cách chung sống với các nguy cơ. Khi khí hậu thay đổi và các hiểm họa tự nhiên gia tăng, các quốc gia cần phải có khả năng hồi phục từ những cú sốc. Kinh nghiệm đau thương đã khiến Nhật Bản phải đầu tư vào khả năng phục hồi. Các cây cầu và tòa nhà được xây dựng theo những cách mới để chống động đất. Sau trận động đất lớn xảy ra ở Kobe vào năm 1995, khiến nhiều người không có nước, thành phố này đã xây dựng một hệ thống dự trữ nước ngầm đủ cung cấp cho người dân trong 12 ngày.
Nhiều người Nhật hiểu rằng ứng phó với thiên tai dịch bệnh là chuyện của tất cả mọi người, không chỉ của riêng nhà nước. Điều đó đã giúp ích rất nhiều trong thời kỳ đại dịch: việc đeo khẩu trang hầu như đã trở nên phổ quát. Trong số các nước thuộc nhóm G7, Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do covid-19 thấp nhất và tỷ lệ tiêm vắc-xin lần hai cao nhất.
Học thích ứng khi nhân khẩu học thay đổi
Bài học thứ hai là nhân khẩu học rất quan trọng. Hầu hết các xã hội rồi cũng sẽ già đi và nhỏ lại như Nhật Bản. Đến năm 2050, cứ sáu người trên thế giới thì có một người trên 65 tuổi, tăng từ một trong 11 người vào năm 2019. Dân số của 55 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, dự kiến sẽ giảm từ nay đến năm 2050. Dữ liệu gần đây cho thấy quy mô dân số Ấn Độ sẽ sớm thu hẹp lại hơn cả dự đoán.
Phân loại nhân khẩu học đòi hỏi sự chuyển đổi cả về thể chế và hành vi cá nhân. Một trong số đó là gia tăng độ tuổi làm việc. Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các công ty giữ nhân viên cho đến khi họ 70 tuổi. Số liệu thống kê cho thấy 33% số người từ 70 đến 74 tuổi hiện có việc làm, tăng so với mức 23% của một thập kỷ trước. Già đi nhưng không đồng nghĩa với sự vô dụng.
Thay đổi nhân khẩu học mang lại những thách thức lớn về kinh tế. Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng chậm do dân số ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc sống viên mãn của từng cá nhân người Nhật, bức tranh còn tươi sáng hơn nhiều. Từ 2010 đến 2019, Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng bình quân GDP trên đầu người cao thứ ba trong nhóm G7, chỉ sau Đức và Mỹ.
Nhật Bản là một chủ nợ lớn và là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới theo tỷ giá hối đoái hiện hành. Người dân Nhật có tuổi thọ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đây là nơi có những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất hành tinh và một loạt các thương hiệu toàn cầu, từ Uniqlo đến Nintendo. Kiến thức về robot và cảm biến sẽ giúp các công ty Nhật kiếm tiền từ một loạt các công nghệ công nghiệp mới. Về mặt địa chính trị, Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng giữa Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và Mỹ, đối tác an ninh quan trọng của nước này.
Học từ những sai lầm
Những sai lầm của Nhật Bản cũng mang đến một loạt bài học khác. Sống với nhiều nguy cơ khiến việc xác định các ưu tiên trở nên khó khăn hơn. Bản thân phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa tiềm ẩn, Nhật Bản không để mắt đến biến đổi khí hậu, thảm họa lớn nhất đang diễn ra. Cuối cùng, vào năm 2020, Nhật Bản đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, nhưng các chi tiết còn sơ sài. Hi vọng của các chính trị gia về việc khởi động lại các nhà máy hạt nhân đã tan thành mây khói sau thảm họa Fukushima năm 2011; điều này khó có thể thực hiện được chừng nào người dân còn quá lo lắng về sự nguy hiểm của năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, nhiều quan chức vẫn còn hoài nghi về năng lượng tái tạo. Vì vậy, Nhật Bản tiếp tục đốt than, loại nguyên liệu gây ô nhiễm nhất.
Một cách để đối phó với tình trạng dân số ngày càng thu hẹp lại là tận dụng tối đa sức của con người. Nhật Bản sẽ không bao giờ phát huy hết tiềm năng của mình khi rất nhiều công dân có trình độ học vấn cao bị hạn chế cơ hội sống theo ý họ. Sự thăng tiến dựa trên thâm niên làm việc tại các công ty truyền thống, kết hợp với sự tôn trọng thái quá những người lớn tuổi, khiến những tiếng nói trẻ trung hơn ít được lắng nghe và do đó ảnh hướng đến sự đổi mới. Đó là lý do tại sao nhiều sinh viên mới tốt nghiệp xuất sắc nhất thích làm việc cho các công ty khởi nghiệp. Nhật Bản đã làm rất tốt việc thu hút nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trong những năm gần đây, nhưng họ vẫn có quá ít cơ hội để vươn lên. Hệ thống lao động hai đường (dual-track: hệ thống hai đường bao gồm một đường nhanh cho quản lý và một đường chậm cho công việc văn thư thông thường; nam giới thường chiếm lĩnh đường nhanh; ai đi đường chậm rất khó để thăng tiến) bẫy những người trẻ tuổi và phụ nữ vào những công việc bán thời gian bấp bênh (từ đó khiến họ ít muốn có con hơn).
Bài học cuối cùng là sự tự mãn. Sự thoải mái của cuộc sống hiện tại làm cho người dân ít bị thôi thúc để thay đổi vì một xã hội tươi sáng hơn. Trong khi đó, giới lãnh đạo đất nước với những chính trị gia có tuổi cũng ít nhạy bén hơn với sự thay đổi vì tiếp tục như hiện tại làm cho họ chịu ít áp lực hơn.
Nguồn: The economist – TRUONGTIEN.JP tổng hợp