Tết trung thu ở Nhật được gọi với cái tên: Lễ Ngắm trăng – お月見 (otsukimi).
Ban đầu, ngày này mang ý nghĩa ăn mừng mùa gặt, sau đó dần được chuyển thành một dịp lễ tết, nơi người Nhật có thể thả hồn vào khung cảnh đêm trăng thu.
Say trăng đêm hạnh phúc
Quảy gánh lo nặng trĩu đong đầy
Đời như sông có khúc(Thơ Haiku)
1. Lễ ngắm trăng của người Nhật.
Trung thu đối với tất cả chúng ta, dù là người Việt Nam hay Nhật Bản hẳn không phải xa lạ gì, là một ngày lễ hội náo nhiệt với những mâm cỗ đầy ắp và niềm hạnh phúc được sum họp bên gia đình. Thế nhưng hẳn nhiều người không biết tại sao lại chọn ngày rằm tháng 8 – tiết Trung thu, là lễ Otsukimi “Ngắm trăng”.
Từ cổ xưa, người nhật miêu tả ngày rằm tháng 8 (tức ngày 15 tháng 8 âm lịch) là thời khắc tuyệt vời nhất để ngắm trăng, bởi vị trí của Trái đất, Mặt Trời và Mặt trăng khiến cho trăng không chỉ tròn mà còn vô cùng sáng.
Ngoài ra, đây là dịp để quý tộc thời Heian tập trung lại và tổ chức ngâm thơ, thưởng trăng. Vào dịp đó, người ta gọi tiết Trung thu là 中秋の名月 (chuushuu no meigetsu) tức là “ngày trăng tròn giữa mùa thu”.
Trước đây, ngày này được tổ chức vào ngày 13 (theo lịch cũ của Nhật) nhưng từ năm 1684, Nhật Bản đã đổi sang hệ thống lịch mới, vì thế nó được tính là “Ngày Trung thu thứ hai” với tên gọi 十三夜 (juusanya) hay “đêm ngày 13”.
Tiết Trung thu ở Nhật chú trọng ngắm trăng hơn tổ chức những lễ hội sôi động, vì thế người Nhật rất chú trọng đến sự xuất hiện của vầng trăng và có hẳn những thuật ngữ riêng để chỉ các mùa Trung thu không thể thấy mặt trăng, đó là: Mugetsu (無月 nghĩa là: không có mặt trăng) và Ugetsu (雨 月 trăng có mưa)
2. Mâm cỗ lễ Otsukimi
Một điểm đặc trưng trong các mâm cỗ trong đêm Otsukimi của Nhật chính là bánh Mochi trắng muốt được biến tấu nhiều loại.
お月見団子 (Otsukimi Dango)
Tsukimi Dango – loại bánh truyền thống được sáng tạo từ bánh ngọt Dango quen thuộc. Chiếc bánh này có hình dạng tròn vo màu trắng đục. Vào ngày Otsukimi, người Nhật sẽ sắp xếp 15 viên mochi này thành hình kim tự tháp, đặt trên một chiếc dĩa.
月見餅 (Tsukimi Mochi)
Nguồn gốc của loại bánh này có lẽ bắt nguồn từ truyền thuyết ở Nhật rằng trên mặt trăng có một đàn thỏ đang miệt mài giã bánh Mochi mỗi dịp trăng rằm.
Một truyền thuyết về Thỏ ngọc được trẻ con Nhật Bản yêu thích kể về 3 con vật là khỉ, cáo và thỏ được Thượng đế thử thách. Ngài đã hóa thân thành một ông lão và đến xin chúng thức ăn. Trong khi khỉ nhanh nhảu trèo lên cây để hái thật nhiều trái ngon, còn cáo thì đi trộm đồ cúng từ các ngôi mộ để biếu tặng ông lão, chỉ có mỗi thỏ thể làm gì cả. Vì vậy để có thức ăn để biếu ông lão, thỏ đã lao mình vào đống lửa để hiến tặng chính bản thân mình. Cảm động trước tấm lòng của thỏ, Thượng đế đã hồi sinh cho thỏ rồi đưa lên cung trăng để tôn vinh trước tất cả mọi người.
Các loại rau củ quả
Khởi nguồn của Otsukimi là lễ cảm tạ mùa thu hoạch. Do đó, đêm Tsukimi còn có tên gọi khác là “Imomeigetsu” (trăng mùa khoai).
Trong đêm này, 2 loại rau củ được ưa chuộng là かぼちゃ (Obocha) và 里芋 (Satoimo).
かぼちゃ (Obocha) là tên tiếng Nhật của bí ngô, một sản vật mùa thu. Bí ngô có thể chế biến thành nhiều món, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Mochi bí ngô ăn kèm với sốt đậu đỏ.
里芋 (Satoimo) hay Khoai môn là sản vật nổi tiếng nhất trong dịp Trung thu này. Vì thế ngày này còn có tên gọi khác là “Imomeigetsu” (trăng mùa khoai). Cũng tương tự như bí ngô, có rất nhiều loại Mochi hấp dẫn được chế biến kèm với khoai môn.
月見うどん (Tsukimi Udon)
Trong dịp này, người Nhật rất ưa chuộng các món Udon, bởi lẽ họ thấy rằng quả trứng trần trong bát mỳ này trông rất giống với mặt trăng tròn đêm rằm.
Nguồn: TRUONGTIEN.JP tổng hợp và biên tập từ những trang thông tin uy tín
—
Ngày hôm nay cũng là tiết Trung thu tại Việt Nam, TRUONGTIEN.JP xin gửi những lời chúc tốt đẹp đến các bạn độc giả, chúc các bạn có một đêm trăng an lành bên người thân gia đình.
Nếu các bạn muốn biết thêm về những ngày lễ đặc trưng ở Nhật thì hãy theo dõi TRUONGTIEN.JP nhé!
TRUONGTIEN.JP hiện đã có mặt trên 4 nền tảng:
? Website: https://truongtien.jp/
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC1dmVQHWwXGLjldhX70ZKCQ
? Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJWDCryj/
? Facebook: https://www.facebook.com/tien.truong.7315